COVID-19 ảnh hưởng đến ngành FMCG ở Việt Nam ra sao?
Dựa trên dữ liệu về người tiêu dùng tại 15 thành phố của Trung Quốc – khi đại dịch SARS xảy ra vào những năm 2002 – 2003 và kết quả khảo sát trên toàn Trung Quốc mới đây – khi bùng phát dịch COVID-19, ông Jason Yu – Giám đốc chi nhánh Kantar Worldpanel tại Trung Quốc nhận định rằng, hành vi và thái độ của người tiêu dùng nước này có sự biến đổi khá tương đồng. Với những kết quả đó, COVID-19 được dự báo cũng có những ảnh hưởng tương tự đến ngành hàng FMCG tại Việt Nam. Dưới đây là một số nhận định mà Kantar đưa ra về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.
1. Trong giai đoạn ngắn hạn
Khi sự lây lan của COVID-19 đạt đến mức báo động đối với sức khỏe của người dân trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt cũng bắt đầu nâng cao cảnh giác về vấn đề sức khỏe hơn. Để giữ an toàn và tự bảo vệ bản thân, họ sẽ hạn chế tiếp xúc và tránh đi đến những nơi đông người trong các hoạt động thường ngày. Do đó, tần suất mua hàng sẽ giảm, còn khối lượng hàng hóa trên mỗi lần mua tăng lên, dự kiến gây ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ và doanh số của ngành FMCG trong thời gian ngắn.
Chi tiêu cho việc ăn uống tại các nhà hàng, quán cafe (thuộc ngành F&B) và các hoạt động bên ngoài khác của người tiêu dùng sẽ giảm trong thời gian bùng phát dịch bệnh; tuy nhiên, các mặt hàng FMCG phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Lượng tiêu thụ các sản phẩm vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cá nhân như nước rửa tay, dung dịch rửa tay khô, khăn ướt và thậm chí cả kem dưỡng da tay cũng tăng lên do người tiêu dùng có ý thức tự bảo vệ bản thân cao.
Các loại thực phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch như trái cây, nước ép trái cây dự kiến sẽ có lượng tiêu thụ lớn. Người tiêu dùng (đặc biệt là những người ở khu vực có người bị nhiễm bệnh) cũng có xu hướng tích trữ các thực phẩm ăn liền như mì gói, xúc xích, bim bim, v.v… để không phải đi ra khỏi nhà.
Khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, người tiêu dùng tạm thời sẽ ưa chuộng các cửa hàng nhỏ, sạch sẽ và ở gần nhà như các siêu thị mini và các cửa hàng tiện lợi hơn so với các khu chợ dân sinh hoặc các siêu thị lớn. Do đó, các giao dịch thanh toán cho mua sắm trực tuyến (online shopping) và giao hàng tận nhà (home delivery) tăng lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa bị đình trệ, các nhà cung cấp và các nhà buôn sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất, phân phối và lưu trữ hàng hóa. Điều này có thể dẫn đến việc giá bán tăng cao, làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
2. Trong giai đoạn trung đến dài hạn
Ảnh hưởng của sự bùng phát dịch COVID-19 cũng khiến các xu hướng mà Kantar quan sát được từ năm 2019 phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ nhất, dịch bệnh lần này giúp tăng nhận thức về vấn đề sức khỏe và vệ sinh của người tiêu dùng Việt lên mức cao hơn, tạo đà phát triển cho các dòng sản phẩm vệ sinh, chăm sóc cá nhân và gia đình như xà phòng bánh, nước rửa tay, dung dịch rửa tay khô, khăn giấy, các sản phẩm vệ sinh nhà cửa, v.v… Những sản phẩm này tuy có lượng người tiêu dùng và lượng tiêu thụ còn khiêm tốn, nhưng dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng hơn trong tương lai do người tiêu dùng bắt đầu mua và sử dụng nhiều hơn.
Thứ hai, thị phần ngành thương mại điện tử (E-commerce) tại Việt Nam được dự báo sẽ mở rộng thêm trong năm 2020. Nhờ vào sự tiện lợi và khả năng giúp người tiêu dùng hạn chế việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài, xu hướng kinh doanh online to offline (O2O) và mô hình e-commerce có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn này. Các nền tảng mua sắm trực tuyến và các dịch vụ giao hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng về cả số lượng người mua (shoppers) và giá trị mua (incremental spend) bằng cách:
- Thu hút những người mua hàng mới chưa từng mua sắm trực tuyến trước đây (theo dữ liệu người tiêu dùng của Kantar cập nhật vào cuối năm 2019, ¾ hộ gia đình tại 4 thành phố lớn của Việt Nam chưa từng mua bất kỳ mặt hàng FMCG nào theo hình thức này);
- Tăng lượng mua/ tăng giá trị mua hàng của những người mua sắm trực tuyến hiện tại.
Cuối cùng, với sự xuất hiện của các kênh mua sắm mới bao gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nền tảng E-commerce, Việt Nam sẽ chứng kiến sự chuyển đổi liên tục từ hành vi mua sắm truyền thống sang mua sắm đa kênh (omnichannel và multi-channel shopping), cùng với đó là sự phát triển của xu hướng bán hàng theo mô hình omni-channel trong thị trường bán lẻ và FMCG trong thời gian tới.
Nguồn: Kantar Worldpanel- Dịch: Tomorrow Marketer