Giỏ hàng

Top 10 xu hướng làm khuynh đảo nền Thương mại điện tử trong năm 2023

Nhờ xu hướng tiêu dùng thương mại điện tử đã được thiết lập, kèm theo sự thúc đẩy từ làn sóng chuyển đổi số quy mô toàn cầu, đã góp phần định hướng các doanh nghiệp thay đổi để phù hợp với quỹ đạo xoay vần của nền kinh tế số. Nhận biết được xu hướng thương mại điện tử của năm 2023 là vô cùng cần thiết để các chiến lược Marketing trong năm mới của doanh nghiệp được thực thi một cách hiệu quả và thành công.

Omnichannel

Omnichannel là mô hình bán hàng đa kênh giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng thông qua nhiều kênh như website thương mại điện tử, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng, đại lý phân phối,... nhưng hoạt động thống nhất trên một hệ thống quản lý. 

Theo thống kê gần đây cho thấy:

  • Ước tính có khoảng 56% khách hàng sử dụng smartphone để tra cứu về sản phẩm khi đang ở trong cửa hàng bán lẻ. 
  • Gần 75% người dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, cửa hàng,… để mua sắm.
  • Khoảng 73% người tiêu dùng thương mại điện tử cho biết họ tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình trải nghiệm. Ví dụ như sau khi mua sắm tại cửa hàng, người mua tiếp tục theo dõi website, các trang mạng xã hội, gian hàng trên sàn thương mại điện tử của thương hiệu. 

Vì vậy, Omnichannel vẫn được xem là xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh trong năm 2023. 

Mobile Commerce

Thương mại di động (Mobile Commerce hay mCommerce) là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty và cá nhân phân phối hàng hoá và dịch vụ trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua các thiết bị không dây cầm tay như điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Riêng tại Việt Nam, những số liệu thú vị được thống kê tại Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022:

  • 88% phương tiện truy cập Internet của người dân là điện thoại di động, trong khi tỷ lệ này năm 2021 chỉ đạt 57%.
  • Tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 74,8%.
  • 91% phương tiện điện tử thường được sử dụng để đặt hàng trực tuyến là điện thoại di động.
  • Trong các kênh mua sắm trực tuyến, có 47% lượng người dùng mua hàng thông qua các ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động. 

Có thể thấy, tỷ lệ người dân toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sở hữu thiết bị di động và sử dụng chúng vào hoạt động mua sắm trực tuyến là khá cao và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Vì vậy, đây sẽ là một trong những xu hướng nổi bật mà các doanh nghiệp thương mại điện tử cần ưu tiên đẩy mạnh trong chiến lược Marketing năm 2023. 

Social Commerce

Social Commerce là quá trình doanh nghiệp sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Youtube, Zalo,v.v làm phương tiện để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ trực tuyến. Nói cách khác, đây là hình thức thương mại kết hợp giữa Social Media (Mạng xã hội) và eCommerce (Thương mại điện tử).

Nhờ sự bành trướng của mạng xã hội mà thương mại xã hội hay Social Commerce đã có sự bứt tốc mạnh mẽ và trở thành thỏi nam châm thu hút các thương hiệu tìm đến để tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng, khai thác và hiện thực hoá mục tiêu về Marketing và doanh số. Do đó, nếu doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng mạng xã hội hay Social Commerce không thuộc top ưu tiên trong chiến lược Marketing năm 2023, rất có thể đấy sẽ là thiếu sót lớn làm vụt mất rất nhiều cơ hội cạnh tranh tại chiến trường thương mại điện tử vốn đã quá cạnh tranh. 

Headless Commerce

Hiện nay, doanh nghiệp có rất nhiều sự lựa chọn để xây dựng website thương mại điện tử nhưng về cơ bản, cấu trúc một website đều sẽ bao gồm các phần chính như sau:

  • Frontend: Tất cả những gì người dùng nhìn thấy và tương tác mỗi khi truy cập vào website bao gồm giao diện, nội dung, chức năng, v.v được tiếp nhận từ backend. 
  • Backend: Tất cả những phần hoạt động của website hoặc app mà người dùng không thể nhìn thấy được như hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ thiết kế, công cụ quản lý, các chức năng tùy biến.

Đối với các website sử dụng cấu trúc truyền thống thì frontend và backend sẽ được hoạt động dựa trên cùng một nền tảng và từ đó sẽ kết nối chặt chẽ với nhau. Do đó, mọi thay đổi trên website sẽ được chỉnh sửa hai phần trong cùng một lúc. Tuy nhiên, với Headless Commerce, backend và frontend sẽ được tách rời với nhau và hoạt động một cách độc lập trên hai hệ thống riêng biệt.

Các lợi ích khi doanh nghiệp triển khai Headless Commerce:

  • Tăng khả năng tuỳ chỉnh
  • Tăng khả năng mở rộng
  • Tăng tốc độ tải trang
  • Tích hợp liền mạch
  • Hỗ trợ bán hàng đa kênh

Shoppertainment

Shoppertainment là hình thức mua sắm kết hợp giải trí, được triển khai như một phần của chiến lược Marketing nhằm thúc đẩy sự tương tác giữa khách hàng và thương hiệu, từ đó kích cầu mua sắm. Tại kỷ nguyên của chuyển đổi số và thương mại điện tử được đặt để ở vị trí hàng đầu trong xu hướng kinh doanh hiện đại thì Shoppertainment được ứng dụng và chi phối phần lớn hoạt động thương mại trực tuyến.

Một số ứng dụng phổ biến của xu hướng Shoppertainment trong thực tế phải kể đến bao gồm: 

  • Live Selling: Bán hàng livestream.
  • Shoppable Video: Mua sắm trực tiếp tại video.
  • Gamification: Trò chơi điện tử ứng dụng hoá.

Việc xu hướng Shoppertainment bùng nổ trong những năm gần đây cho thấy nhu cầu tương tác, kết nối xã hội sau thời gian đời sống tinh thần bị ảnh hưởng bởi Covid là rất cao.

Điều này buộc các thương hiệu phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đó bằng cách biến trải nghiệm mua sắm thông thường thành trải nghiệm mua sắm mang tính giải trí, tương tác và kết nối xã hội. Và Shoppertainment chính là giải pháp mà doanh nghiệp tìm kiếm. Đồng thời, đây là phương thức khai thác tối đa yếu điểm lớn nhất của khách hàng – cảm xúc.

Công nghệ AI

Công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) hiện nay có tác động đáng kể đối với doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc đưa ra các giải pháp tối ưu trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng. 

Hiện nay có 2 ứng dụng của công nghệ AI được sử dụng phổ biến trong thương mại điện tử đó là:

Chatbots

Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, Chatbots sẽ như là những nhân viên bán hàng có thể tương tác trực tiếp với khách hàng 24/7. Điều này giúp doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách về địa lý và múi giờ, giúp quá trình tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng diễn ra hiệu quả không gián đoạn. 

Cá nhân hoá chiến dịch quảng cáo (Personalized Advertising Campaigns)

Bằng cách thu thập dữ liệu khách hàng, AI có thể hỗ trợ tạo nội dung và đề xuất phù hợp cho từng khách hàng cụ thể. Để cải thiện các chiến dịch tiếp thị và cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, AI cũng có thể dự đoán hành vi mua hàng dựa trên lịch sử tìm kiếm và duyệt web của người dùng, khi dữ liệu có sẵn một cách hợp pháp.

Công nghệ VR/AR

Công nghệ Thực tế ảo – VR (Virtual Reality) là công nghệ hiện đại đưa người dùng bước vào một không gian mô phỏng nhưng vẫn rất chân thực chỉ bằng chiếc kính 3 chiều (kính thực tế ảo). Thế giới ảo mà người dùng nhìn thấy thực chất được thiết lập và điều khiển bởi một hệ thống máy tính có cấu hình cao. 

Công nghệ Thực tế ảo tăng cường – AR (Augmented Reality) là công nghệ mới được tăng cường từ công nghệ VR. Công nghệ này có khả năng xóa bỏ ranh giới giữa thế giới thực và mô hình 3D ảo. Nghĩa là người dùng sẽ được trải nghiệm mô hình ảo trong không gian thực tế thông qua smartphone hoặc máy tính.

KOL/KOC 

​​Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và mạng xã hội, KOL/KOC đã thổi vào các chiến dịch Marketing một làn gió mới mẻ và độc đáo. Dù bản chất 2 khái niệm này đã tồn tại từ lâu, song những năm gần đây, KOL/KOC mới thật sự bùng nổ.

KOL – Key opinion leader hay còn gọi là “người có sức ảnh hưởng”, là một cá nhân hay tổ chức có kiến thức sản phẩm chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ.

KOC – Key Opinion Consumer là “những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường”. Công việc của họ là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá.

KOL sẽ phù hợp với các thương hiệu trung và cao cấp, trong khi đó KOC sẽ phù hợp với các thương hiệu từ bình dân đến trung cấp. Nếu KOL được sử dụng để chọn đại sứ thương hiệu, gương mặt đại diện mùa lễ hay các chiến dịch ra mắt sản phẩm thì KOL được dùng để thúc đẩy doanh số bán hàng trong thời gian ngắn hay điều hướng khách hàng về website, sàn thương mại điện tử. 

BOPIS

BOPIS – Buy Online Pick-up In Store (Mua trực tuyến, nhận tại cửa hàng) là một trong những xu hướng mua sắm hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024. Với BOPIS, người mua sẽ không phải lo lắng về phí giao hàng, thời gian giao hàng lâu, nguy cơ nhận phải sản phẩm không đúng mong đợi.

Doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy mạnh triển khai BOPIS nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng khi tích hợp mua sắm trực tuyến và nhận hàng trực tiếp. Đây là chiến lược hoàn hảo để tăng lượng khách ghé thăm cửa hàng và thu hẹp khoảng cách giữa trải nghiệm mua sắm truyền thống và mua sắm trực tuyến. 

Bên cạnh đó, mô hình BOPIS còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian vận chuyển, kích cầu mua sắm và giảm thiểu rủi ro hoàn hàng. 

UGC

UGC – User Generated Content là nội dung do người dùng tạo ra bao gồm hình ảnh, video, đánh giá, văn bản. Trong 10 năm trở lại đây, UGC càng trở nên quan trọng do người dùng ngày càng ít quan tâm đến thông điệp từ thương hiệu.

Một nghiên cứu mới đây của Salesforce cho thấy 92% khách hàng tin vào nội dung của người thân và bạn bè hơn là nội dung do thương hiệu tạo ra và 53% khách hàng thuộc thế hệ Millennials cho biết UGC ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.

Lý giải cho những con số trên là sự tin tưởng. Vì vậy, nội dung UGC như hình ảnh, video, bài đánh giá do khách hàng cung cấp là bằng chứng xã hội đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu uy tín.

Công nghệ số và xu hướng thương mại điện tử luôn không ngừng thay đổi, đòi hòi doanh nghiệp phải thức thời nắm bắt để tránh bị tụt hậu và loại thải khỏi thị trường. Với 10 xu hướng thương mại điện tử khuynh đảo thị trường năm 2023 được liệt kê và phân tích ở trên sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan để chuẩn bị cho chặng đường mới phía trước.

Bên cạnh các xu hướng này, khi triển khai thương mại điện tử trong những năm tới, các doanh nghiệp cũng đừng quên đặt trải nghiệm khách hàng làm trung tâm là xu hướng không bao giờ lỗi thời.