Giỏ hàng

Thương hiệu như thế nào có thể thu hút Gen Z

Gen Z là một thế hệ đa dạng với tính cách năng động, sáng tạo và thông minh. Nhu cầu được thể hiện quan điểm cá nhân là rất quan trọng đối với Gen Z. Thế hệ “hậu Millennials” cũng quan tâm sâu sắc đến những gì diễn ra xung quanh họ. Chính vì vậy họ luôn khao khát được thể hiện phong cách cá nhân, mang tiếng nói của mình tạo sức ảnh hưởng tốt đẹp lên những vấn đề xã hội. 

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tiêu dùng của họ. Thách thức đặt ra cho các nhãn hàng là hướng tới những sản phẩm thân thiện với môi trường hay lan toả thông điệp ý nghĩa. Để thu hút được Gen Z, việc chạy theo xu hướng thôi là chưa đủ. Hãy đi sâu tìm hiểu về Gen Z, bạn sẽ biết được mình cần phải bắt đầu từ đâu. 

1. Xu hướng về Gen Z mà thương hiệu cần lưu ý

Nội dung thân thiện với thiết bị di động

Được sinh ra và trưởng thành trong cuộc sống gắn liền với công nghệ, gần như tất cả các hoạt động của gen Z đều được thực hiện thông qua thiết bị di động (điện thoại, tablet...). 

Báo cáo của Glukoze cho biết, 25% số người tham gia khảo sát dành hơn 5 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại di động cho việc mua sắm, lướt mạng xã hội, nhắn tin, trò chuyện, chơi trò chơi...

Smartphone là vật "bất ly thân" với người dùng hiện tại, đặc biệt là gen Z, và được coi là điểm tiếp xúc đầu tiên của bạn với thế hệ này. Do đó, nội dung càng thân thiện và tối ưu với thiết bị di động thì khả năng tiếp cận với nhóm khách hàng này càng lớn.

Mạng xã hội - "Kinh đô mua sắm" mới của gen Z

Sự nở rộ của mạng xã hội đang định hình lại cách mọi người mua và bán. Hiện nay, mạng xã hội đang xuất hiện trong mọi giai đoạn của hành trình mua hàng. Xu hướng mua sắm này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi người tiêu dùng gen Z và Millennial - những người dành rất nhiều thời gian cho mạng xã hội. Báo cáo của Accenture chỉ ra rằng, mua sắm trên mạng xã hội sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, sự "đa nghi và đề phòng" ngày càng cao của thế hệ này đang làm giảm bớt niềm tin của họ với quảng cáo của thương hiệu, người nổi ti, thay vào đó, họ tin tưởng hơn vào KOC (Người tiêu dùng chủ chốt) hay có thể hiểu là reviewer. KOC nổi lên mạnh mẽ như một nghề "hot" với sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người dùng mạng xã hội. Một món ăn, một địa chỉ nhà hàng, một bài hát cũ... có thể trở thành xu hướng chỉ trong một đêm, nhưng cũng có thể bị tẩy chay chỉ trong một ngày. Điều đó cho thấy sức mạnh rất lớn của mạng xã hội đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiểu được thói quen tiêu dùng mới, tính cách và sở thích của gen Z sẽ rút ngắn khoảng cách giữa thương hiệu với thế hệ tiêu dùng này để phục họ tốt hơn.

Cũng theo báo cáo của Accenture, những sản phẩm được mua sắm nhiều nhất trên mạng xã hội là quần áo, đồ điện tử tiêu dùng, đồ trang trí nhà cửa, chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân.

Được thúc đẩy bởi các giá trị

Gen Z là thế hệ đa dạng về chủng tộc và sắc tộc nhất, khi có đến 43% gen Z không phải người da trắng. Bên cạnh đó, gen Z còn là thế hệ có quan điểm rõ ràng về tương lai mà họ mong muốn. Họ mong muốn doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với các vấn đề xã hội: biến đổi khí hậu, công bằng chủng tộc và quyền của LGBTQ+...

Theo một cuộc khảo sát mới của BBMG và GlobeScan, hơn 80% Gen Z không tin tưởng doanh nghiệp sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất của xã hội. Họ mong muốn doanh nghiệp nên “phục vụ cộng đồng và xã hội” hơn là chỉ đơn giản “tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tốt”. 

Để chiếm được lòng tin của gen Z, doanh nghiệp cần lên tiếng về các vấn đề cấp bách và tạo mối quan hệ đối tác có ý nghĩa cùng các tổ chức phù hợp với giá trị thương hiệu. Nhưng hãy thực hiện một cách cẩn thận bởi gen Z coi trọng tính xác thực hơn là những lời hứa sáo rỗng. Duy trì điều này như một phần của văn hóa doanh nghiệp và đừng ngại ngần chia sẻ những câu chuyện với đối tượng của mình.

Mạng xã hội là công cụ tìm kiếm mới của gen Z

Bản chất trực quan của các nền tảng mạng xã hội biến chúng trở thành công cụ tìm kiếm mới gen Z. Thay vì sử dụng Google, 40% gen Z sử dụng TikTok để tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, YouTube... cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.

Chẳng hạn, thay vì lên Google tìm kiếm "quán lẩu ngon" và được trả lại một loạt danh sách nhà hàng thì họ có thể xem review chân thực về không gian, phục vụ, giá cả và comment của những người dùng khác trên TikTok.

Thương hiệu nên làm gì để tận dụng xu hướng này? 

Theo Hootsuite, 81% gen Z  sử dụng TikTok để tìm nội dung hài hước hoặc giải trí và nhóm nhân khẩu học này thường bị thu hút bởi những nội dung vui vẻ, sáng tạo. 

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Squarespace:

  • 57% cho rằng một trang web hoặc cửa hàng trực tuyến được thiết kế tốt quan trọng đối với một doanh nghiệp hơn là một cửa hàng thực.

  • 58% gen Z tin rằng họ có thể nhớ màu của trang web tốt hơn màu mắt của ai đó.

Để thu hút và tiếp cận gen Z, thương hiệu cần thường xuyên đổi mới và đưa những ý tưởng sáng tạo vào các chiến dịch truyền thông, nhưng vẫn phải đảm bảo được bản sắc và phong độ của thương hiệu. Thông qua một số cách như:

  • Đầu tư thiết kế hình ảnh, nội dung cho các bài đăng trên mạng xã hội

  • Sử dụng nhiều nền tảng và tối ưu hóa nội dung truyền thông cho gen Z

  • Sử dụng các định dạng âm thanh và hình ảnh theo xu hướng để tạo nội dung mới và tăng cơ hội viral.

Nội dung do người dùng tạo ra (UGC) được gen Z yêu thích

Sáng tạo nội dung là cốt lõi trong thói quen kỹ thuật số của Gen Z. 60% người dùng TikTok là gen Z và họ là những người đang tạo, tiêu thụ và chia sẻ nội dung không ngừng. Gen Z thích UGC  (User-generated Content) vì nó mang lại cảm giác chân thực hơn, giúp tạo dựng niềm tin với thương hiệu. Nghiên cứu của Cloudinary chỉ ra rằng, có đến 70% Gen Z  xem xét UGC trước khi đưa ra quyết định mua hàng. 

Dự án ‘Cùng vẽ lên niềm tự hào Việt Nam’ với sự hợp tác giữa You x Biti’s Hunter x VietMax

Đã qua rồi cái thời người nổi tiếng viết một câu cho một quảng cáo và người tiêu dùng tin tưởng và đặt hàng. Người tiêu dùng trẻ tuổi ngày nay tin tưởng vào feedback, review của bạn bè hoặc những người tiêu dùng khác nhiều hơn. Vậy thương hiệu nên làm gì?

  • Yêu cầu khách hàng chia sẻ những câu chuyện và hình ảnh về việc họ sử dụng sản phẩm của bạn, gắn thẻ thương hiệu trong các bài đăng trên mạng xã hội hoặc để lại bình luận trên trang web của bạn.

  • Giới thiệu nội dung do người dùng tạo trên trang web và tạo các chiến dịch Gen Z để quảng bá nội dung do người dùng gửi.

  • Làm nổi bật những câu chuyện và tương tác xác thực, đồng thời sử dụng chúng làm cầu nối giữa gen Z và thương hiệu.

2. Chiến lược để chiếm được lòng tin, lòng trung thành và sự tham gia của gen Z

Việc đi sâu tìm hiểu thái độ, niềm tin, mong muốn và hành vi của thế hệ gen Z (18 - 22 tuổi) đã tiết lộ 5 chiến lược giúp thương hiệu trở nên chân thực hơn trong mắt họ, phù hợp hơn trong cuộc sống của họ và cùng nhau tạo ra nhiều tác động hơn trong thế giới của gen Z.

Đừng im lặng! Hãy lên tiếng

Thương hiệu sẽ giành được sự tôn trọng và lòng trung thành của gen Z bằng cách ủng hộ các giá trị và niềm tin đích thực. Không phải chạy theo những gì dễ dàng hoặc phổ biến mà bằng cách sử dụng ảnh hưởng của họ để thay đổi các vấn đề của thời đại, xã hội.

Tạo không gian riêng

Gen Z nắm bắt và chia sẻ hầu như mọi ý tưởng, quan điểm và cuộc sống của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội. Không như các thế hệ trước, Gen Z coi trọng cơ hội thể hiện tiếng nói của họ để được chia sẻ, lắng nghe, bày tỏ và công nhận.

Để chiếm được lòng tin và sự tham gia của gen Z, chỉ bán sản phẩm thôi là không đủ. Thay vào đó, hãy tạo không gian để gen Z có cơ hội trải nghiệm chân thực, được lên tiếng và lắng nghe.

Spotify tạo không gian để trò chuyện, khám phá và thể hiện bản thân, nuôi dưỡng cộng đồng thông qua âm nhạc và văn hóa.

Bằng cách mô phỏng lại vai trò của Gen Z từ người tiêu dùng thụ động thành người đồng sáng tạo tích cực, những người giúp hình thành các cuộc trò chuyện, thay đổi văn hóa và thúc đẩy kết nối chân thực hơn, thương hiệu sẽ đến gần hơn với gen Z.

Thế giới dành cho tất cả mọi người

Gen Z được thúc đẩy bởi mong muốn mạnh mẽ về sự công bằng và bình đẳng. Họ không chỉ là thế hệ đa dạng nhất trong lịch sử, mà còn là thế hệ toàn diện nhất. Họ muốn một thế giới chào đón tất cả mọi người bất kể chủng tộc, sắc tộc, giới tính hay khuynh hướng tình dục.

Do đó, không có gì lạ khi gen Z tìm kiếm và tôn vinh những thương hiệu ủng hộ, tôn vinh và tồn tại vì những cộng đồng yếu thế trong xã hội. Từ làm đẹp đến thời trang, sức khỏe, phúc lợi, một làn sóng thương hiệu mới đang nắm bắt cơ hội để tạo ra thị trường mới và giành được sự chú ý cũng như tôn trọng của những người tiêu dùng trẻ tuổi nhất bằng cách đặt sự đa dạng, công bằng và hòa nhập làm trung tâm.

Series “Real Beauty” của DOVE phá bỏ các tiêu chuẩn phi thực tế về vẻ đẹp của phụ nữ, tôn vinh những nét đẹp tự nhiên, chân thực.

Thúc đẩy niềm đam mê

Thế hệ Z cũng đang xác định lại những kỳ vọng, nguyện vọng và ranh giới của họ với công việc và cuộc sống. Gen Z có một quan điểm hoàn toàn mới về tài chính, công việc và cuộc sống. Họ đang tìm kiếm các thương hiệu và cộng đồng để giúp họ thỏa mãn những yêu cầu này.

Để tiếp cận thành công nhóm khách hàng gen Z với tư cách là người tiêu dùng, người lao động và công dân - thương hiệu cần đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển cá nhân, theo đuổi đam mê và mạng lưới hỗ trợ khi họ xác định hành trình độc đáo của riêng mình.

Các thương hiệu giành được tình cảm của gen Z không phải bằng sự hoàn hảo mà bằng cách nói chuyện cởi mở, trung thực về những thách thức mà họ gặp phải và tuyên bố các chiến lược rõ ràng cho hành động, cải tiến và tác động.

3. Tổng kết 

Là thế hệ tiêu dùng quan trọng của tương lai, muốn chinh phục gen Z, điều quan trọng của thương hiệu là phải nhanh chóng nắm bắt được các xu hướng của gen Z: điều gì khiến họ yêu thích, hình ảnh nào thu hút họ, nội dung nào phù hợp… để rút ngắn khoảng cách với họ, từ đó đưa ra chiến lược hiệu quả nhất.